NGUYÊN NHÂN GÂY ĐUỐI NƯỚC VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC

Đuối nước là hiện tượng mà khí quản của người lớn hay trẻ nhỏ bị một chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào dẫn tới khó thở. Hậu quả của ngạt thở lâu có thể là tử vong hoặc không tử vong, nhưng gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ thần kinh. Ngoài ra, cũng có quan niệm ngắn gọn hơn, đuối nước là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước.
Một số nguyên nhân dẫn tới đuối nước như: không biết bơi, chơi ở những khu vực nguy hiểm như: có ao hồ, sông, suối…, những nơi không có lan can, rào chắn, bậc lên xuống, không có biển báo an toàn, tập bơi quá nhiều khi sức khỏe không đảm bảo, đi ra đường khi ngập nước bị sa chân xuống hố sâu,... Thậm chí nhiều người lớn, bơi giỏi vẫn có nguy cơ đuối nước nếu như lơ là, chủ quan.
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước, chúng ta cần chú trọng thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước:
Tất cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần phải được trang bị các kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước, nhất là với trẻ em. Do vậy, cha mẹ nên cho bé đến các trung tâm học bơi chuyên nghiệp để được dạy về: cách khởi động, cách xử lý tình huống khi bị chuột rút, cách xử lý khi bơi vào vùng nước xoáy,…. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần tìm hiểu xem thể trạng của bé có thích hợp cho việc tham gia hoạt động bơi lội hay không vì không phải trẻ nhỏ nào cũng có sức khỏe đủ tốt để học bơi.
2. Cảnh báo về nguy cơ khi tắm suối, sông, hồ
Người lớn cần ý thức và cảnh báo cho trẻ nhỏ nguy cơ bị đuối nước khi tắm ở suối, sông, ao, hồ,.... Bên cạnh đó, cha mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ tắm sông hay chơi đùa ở gần khu vực bờ sông để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn và chỉ cho bé đến các hồ bơi được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, có nhân viên trông coi.
3. Mặc áo phao và tắm gần bờ
Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao. Ngoài ra, trên tàu thuyền cũng phải được trang bị đủ số lượng các thiết bị cứu hộ đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng khi có tai nạn xảy ra.
Khi tắm sông hay tắm biển, bất cứ người biết bơi hay không cũng phải mặc áo phao và chỉ nên tắm ở gần bờ để đảm bảo an toàn. Khi tắm biển, không nên nằm trên phao thả trôi vì sẽ dễ bị sóng cuốn ra xa rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, nên tìm hiểu rõ về vùng biển trước khi tắm để không chọn nhầm nơi nước động, nước xoáy hay xuất hiện 
dòng chảy xa bờ.
4. Đậy kín bể chứa nước
Với những gia đình có trẻ nhỏ, các trường học, cơ sở giáo dục, các bể chứa nước dự trữ phải luôn được đậy nắp kín và có khóa, đảm bảo trẻ không thể mở ra để tránh trường hợp trẻ bị ngã vào bể, dẫn đến ngạt nước.
5. Trang bị kỹ năng cứu người đuối nước
Cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần được trang bị các kỹ năng cứu hộ, sơ cứu người bị đuối nước. Cụ thể, nếu phát hiện người đang bị đuối nước nhưng người phát hiện lại không biết bơi, phải hết sức bình tĩnh và hô hoán, nhờ đến sự trợ giúp của nhiều người. Đồng thời, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài, ném phao có buộc dây thừng cho nạn nhân nắm... và kéo nạn nhân vào bờ một cách an toàn, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên… Sau khi đã đưa được nạn nhân lên bờ, ngay lập tức thực hiện các thao tác sơ cứu người bị đuối nước.
Trên đây là những điều chúng ta nên biết về cách phòng tránh tai nạn đuối nước, gia đình và cộng đồng hãy quan tâm, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho bản thân và những người thân trong gia đình.
ThS. Vương Thị Huyền- TYT xã Sơn Đồng