CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới. Tỷ lệ người bị bệnh Tăng huyết áp trong cộng đồng ngày càng gia tăng. Tăng huyết áp gây ra một số tai biến như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa… Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh Tăng huyết áp trong cộng đồng, người dân nên hạn chế các yếu tố nguy cơ này để phòng tránh bệnh Tăng huyết áp, cụ thể như sau:
1. Ăn mặn
Lượng natri nạp vào cơ thể tăng cao do thói quen ăn mặn là một trong những nguyên nhân chính gây Tăng huyết áp. Khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều muối, khiến cơ thể giữ nước nhiều hơn và làm tăng thể tích máu. Sự gia tăng thể tích máu này tạo áp lực lên thành mạch máu, dẫn đến Tăng huyết áp.
2. Ít vận động thể lực (lối sống tĩnh tại)
        Người thiếu vận động thường có nhịp tim tăng cao, điều này đặt áp lực thêm lên tim và có thể góp phần tăng nguy cơ phát triển Tăng huyết áp. Do đó, cần tăng cường hoạt động thể chất và duy trì thói quen vận động thường xuyên để giảm nguy cơ và cải thiện tình trạng bệnh.
3. Uống nhiều bia, rượu
Uống rượu, bia quá mức cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch nói chung và bệnh Tăng huyết áp nói riêng. Đối với những người phải dùng thuốc để điều trị Tăng huyết áp thì uống rượu, bia quá mức hoặc nghiện rượu sẽ làm mất tác dụng của thuốc hạ áp, như vậy làm cho bệnh càng nặng hơn. Ngoài ra, uống rượu, bia quá mức còn gây bệnh xơ gan và các tổn thương thần kinh, từ đó gián tiếp gây Tăng huyết áp. Vì vậy, không nên uống quá nhiều rượu, bia để phòng bệnh Tăng huyết áp.
4. Hút thuốc lá, thuốc lào
Trong thuốc lá, thuốc lào có nhiều chất kích thích đặc biệt có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm co mạch và gây Tăng huyết áp.
5. Thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì gây Tăng huyết áp vì khi cơ thể tích lũy quá nhiều mỡ, đặc biệt là mỡ nội tạng, áp lực lên tim và mạch máu tăng lên, làm việc bơm máu trở nên khó khăn hơn. Điều này dẫn đến việc gia tăng sức cản của mạch máu, làm huyết áp tăng cao.
6. Đái tháo đường
Ở người bị đái tháo đường, tỷ lệ bị Tăng huyết áp cao gấp đôi so với người không bị đái tháo đường. Khi có cả Tăng huyết áp và Đái tháo đường sẽ làm tăng gấp đôi biến chứng mạch máu lớn và nhỏ, làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong so với bệnh nhân Tăng huyết áp đơn thuần.
7. Rối loạn lipid máu
Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Nồng độ cholesterol máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa động mạch và dần dần làm hẹp lòng các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Động mạch bị xơ vữa sẽ kém đàn hồi và cũng chính là yếu tố gây Tăng huyết áp.
8. Tiền sử gia đình có người bị Tăng huyết áp
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh Tăng huyết áp có thể có yếu tố di truyền. Trong gia đình nếu ông, bà, cha, mẹ bị bệnh Tăng huyết áp thì con cái có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
9. Tuổi cao
Tuổi càng cao thì thành động mạch bị lão hóa và xơ vữa làm giảm tính đàn hồi và trở nên cứng hơn, vì thế làm cho huyết áp tâm thu tăng cao hơn, làm tăng nguy cơ mắc Tăng huyết áp.
10. Stress (căng thẳng, lo âu quá mức)
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng căng thẳng thần kinh, stress làm tăng nhịp tim, động mạch bị co thắt dẫn đến Tăng huyết áp.
Phòng Dân số - TT&GDSK