HƯỞNG ỨNG NGÀY ASEAN PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT NĂM 2025
Bệnh Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra. Bệnh rất nguy hiểm do bệnh dễ lây lan thành dịch, đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, những trường hợp nặng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Trên Thế giới, ước tính có khoảng 100 đến 400 triệu ca nhiễm Sốt xuất huyết xảy ra mỗi năm. Một số trường hợp có thể không có triệu chứng điển hình của Sốt xuất huyết, do đó số ca mắc Sốt xuất huyết được báo cáo có thể thấp hơn số ca mắc trên thực tế. Sốt xuất huyết hiện đang lưu hành ở hơn 100 quốc gia. Châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, trong đó Châu Á chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Phòng chống Sốt xuất huyết là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác. Năm 2010, tại Hội nghị của Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN, 10 nước thành viên ASEAN đã thống nhất chọn ngày 15 tháng 6 hàng năm là Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, huy động các nguồn lực để phòng ngừa và kiểm soát bệnh, đồng thời thể hiện cam kết của khu vực trong việc giải quyết căn bệnh này.
Số ca mắc Sốt xuất huyết hàng năm có xu hướng tăng cao nhất từ tháng 5 đến tháng 11, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nên việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống là rất quan trọng. Để công tác phòng chống dịch Sốt xuất huyết đạt hiệu quả cao, cần có sự chung tay của chính quyền các cấp và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết năm 2025, chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể địa phương và đặc biệt là từng hộ gia đình, mỗi cá nhân trong cộng đồng hãy chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp sau để phòng chống Sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cộng đồng:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, bẹ lá..., các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất phòng, chống dịch Sốt xuất huyết.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Phòng Dân số - TT&GDSK
Tin tức liên quan
- BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG
- HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ 31/5 VÀ TUẦN LỄ QUỐC GIA KHÔNG THUỐC LÁ NĂM 2025
- TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ, THUỐC LÁ NUNG NÓNG
- GÁNH NẶNG BỆNH TẬT CỦA VIỆC SỬ DỤNG THUỐC LÁ
- HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG TĂNG HUYẾT ÁP NĂM 2025
- CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP
- MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP
- HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT RÉT NĂM 2025
- BỆNH SỐT RÉT VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
- HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2025